.

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

Ba mẹ con tôi luôn dành buổi sáng cho các hoạt động ngoài trời, hôm thì đi lang thang ngắm phố phường, hôm thì đi bơi, hôm thì đi bộ đến thư viện đọc sách…Một buổi sáng như bao buổi sáng khác, sau một hồi cuốc bộ lang thang trong khu vực trung tâm thành phố, ngắm nghía từng góc phố, bàn tán sôi nổi về sự khác nhau của các căn nhà cổ với màu sơn vàng rất đặc trưng và các căn nhà “thuần Việt” được xây sau này, ba mẹ con tôi quyết định bắt taxi quay về nhà vì trời đã khá trưa. Một chiếc taxi xanh lá dừng lại đón chúng tôi.


Ba mẹ con lên xe, điều lạ lùng đầu tiên các con tôi nhận ra ngay và thì thầm vào tai mẹ là “xe chú này sạch sẽ thơm tho ha má ha!” Đúng vậy, chiếc xe này không có mùi thuốc lá hay “mùi công cộng” như những taxi đang chạy ngoài kia. Ba mẹ con yên vị, anh lái taxi nhẹ nhàng xin phép khách đổi đĩa nhạc, đĩa anh đang nghe là một đĩa luyện nghe tiếng Anh, anh đổi sang một đĩa nhạc nhẹ của Richard Clayderman. Nhạc vang lên, nhẹ và êm, anh khẽ khàng hỏi khách nghe có vừa tai không, vì “nhạc của mình hơi kén khách đi xe”. Và xe từ từ lăn bánh, không vội vã, không giật cục... trong tiếng nhạc dịu dàng rơi. Anh từ tốn giới thiệu tên của bản nhạc, một điều hiếm thấy trong thói quen nghe nhạc của người Việt chúng ta. Con tôi ngạc nhiên thì thầm “chú nhớ tên bản nhạc luôn má!” (mặc dù có học đàn nhưng các con thường cho rằng nhớ giai điệu của bản nhạc và yêu thích nó quan trọng hơn là nhớ những chi tiết khác). Tôi bắt đầu thấy thú vị với một anh tài xế không giống những anh tài xế tôi thường gặp: giữ xe sạch, thích nhạc êm dịu và thích trau dồi kiến thức, kỹ năng.


Đến ngã tư, trong lúc dừng chờ đèn đỏ, anh lấy ra mảnh giấy hoa xinh xinh, “chú sẽ tặng cho các con một món quà nho nhỏ, các con chờ xem nó là cái gì nha” và chậm rãi gấp gấp xếp xếp... Ba mẹ con chăm chú nhìn theo thao tác tỉ mỉ của anh. Đèn xanh, anh ngừng tay, lái xe từ tốn, qua hai ngã tư dừng chờ đèn đỏ thì một con ếch origami bé xíu đã ra đời. “Con ếch của chú là ếch giấy nhưng nó có thể nhảy rất xa nghen!” Đặt con ếch lên mặt phẳng trước vô-lăng, anh ấn nhẹ vào thân ếch và nó nhảy tới trước, va vào kính xe và bật lại. Hai đứa con tôi cười ồ! Anh nhẹ nhàng nói, “nhiều người rất nôn nóng và cau có khi chờ đèn đỏ, nhưng mình có món origami nhanh gọn lẹ và thú vị để giữ mình luôn vui, không tốn kém gì mà nó giúp mình bận rộn để không phải bực mình vì những chuyện mình không thay đổi được xung quanh”…


Dường như cái nóng mùa hè đã mất hút kể từ khi ba mẹ con lên xe của anh, quan sát những gì anh làm, lắng nghe những gì anh nói. Đến ngã tư tiếp theo, anh lấy ra thêm 2 con ếch đã làm sẵn nữa, được làm bằng phiếu thu của các trạm thu phí: "một con là chú làm khi qua trạm thu phí sân bay, một con nữa chú làm lúc đi ngang trạm thu phí Nguyễn Văn Linh hôm qua, chú tặng cho hai anh em ba con ếch luôn nhé". Hai đứa trẻ thích thú cầm lấy mấy con ếch nhỏ, rồi ngồi nghịch ba con ếch nhảy tới nhảy lui, cười vang với nhau.


Anh nói với giọng rất tự hào "Chị và hai cháu đang được phục vụ bởi một trong những tài xế tử tế nhất của hãng”. Tôi thật lòng công nhận và cám ơn anh về điều đó. Suốt đường đi anh không bấm còi khi đợi đèn đỏ, anh bảo “ai cũng vội, nhưng khả năng lưu thông trên đường thì có hạn vì đường nhỏ và xe đông, bấm còi cũng không thay đổi được gì mà còn làm mọi người và bản thân mình bực bội hơn”. Anh bảo xe anh luôn sạch sẽ vì anh không hút thuốc, anh chăm xe thật chu đáo và anh chạy xe một mình để bảo đảm xe luôn ở tình trạng tốt nhất anh có thể duy trì (thông thường hai tài xế chạy chung một xe, ngày chạy ngày nghỉ). Anh chọn chạy một mình để bảo đảm được sức khoẻ và thu nhập của mình. Mỗi ngày anh chạy xe từ sáng sớm, trưa dành hai giờ đồng hồ để ăn trưa và nghỉ ngơi, chiều chạy tiếp đến 21g rồi về nghỉ (nếu không có khách quen dặn xe).


Làm việc điều độ và nghỉ ngơi hợp lý, anh có công việc đều đặn và thu nhập không khác gì anh em lái xe chạy cách nhật. Áp lực công việc chia đều ra mỗi ngày, không stress như anh em khác, và anh có đủ thời gian để làm những việc anh muốn khác ngoài công việc chính là chạy xe taxi. Với anh, như vậy là đủ.


Anh chia sẻ một chi tiết nhỏ: anh in luôn số điện thoại di động vào thẻ tên của mình đặt trong xe. Thành phố vốn đông đúc, lắm khi tìm được một chỗ đậu xe tạm thời rất khó khăn ở một số khu vực, có khi để tranh thủ ghé vào quán bên đường uống miếng nước hay ăn vội bữa trưa bữa tối, các tài xế taxi thường phải đậu trước nhà dân gần quán, nhiều khi chủ nhà mở cửa đi ra bị vướng xe rất khó chịu mà không biết phải làm sao, anh cho rằng có số di động sẵn trong xe như thế, họ có thể điện thoại cho tài xế, tài xế quay ra dời xe của mình đi chỗ khác, vừa nhanh chóng giải tỏa được nỗi phiền của chủ nhà vừa có được sự thông cảm giữa hai bên nếu mình có cơ hội giải thích…


Anh bảo cứ mỗi hành khách lên xe, là một cơ duyên cho anh giúp người khách bớt mệt mỏi về những thứ họ đang bận tâm, thế nên anh luôn cố gắng chăm sóc khách, bằng xe sạch, bằng nhạc dịu dàng, bằng những câu chuyện không liên quan đến thời sự quá căng thẳng bên ngoài, bằng sự chu đáo của mình...

Một anh tài xế taxi, bằng câu chuyện về những việc làm thường nhật của mình, đã giúp cho mẹ con tôi thật nhiều bài học nho nhỏ mà quý giá:
- bài học về sự tận tâm, chu đáo trong bất kỳ việc nhỏ nào mình nhận lãnh trách nhiệm,
- bài học về làm sao lấp đầy ngày của mình bằng những thứ tích cực, bổ ích và bình an,
- bài học về lập thứ tự ưu tiên trong cuộc sống,
- bài học về làm thế nào để sắp xếp cuộc đời mình một cách hài hoà và bền vững,
- và hơn hết, là bài học về sự tôn trọng: khi ta tôn trọng người khác với cả tấm lòng thông qua những việc mình làm, ta sẽ nhận lại được sự tôn trọng tương đương, cũng như khi ta suy nghĩ và hành xử tích cực, những điều tích cực và tốt lành sẽ tự nhiên đến với ta.

Như những gì anh đã làm hàng ngày và mẹ con tôi may mắn được chứng kiến, như những gì tôi đang viết ra để mọi người có thể có cảm hứng từ chính anh… Vì một cuộc sống an lành hơn, tốt đẹp hơn mỗi ngày của chúng ta.


Theo Tuoitre.vn

|
Làm thế nào một người lái xe taxi không bằng cấp, không địa vị lại có thể khiến cho một vị CEO lớn phải”tâm phục khẩu phục”? Hãy cùng theo dõi câu chuyện thú vị dưới đây. Bạn sẽ nhận ra rằng có rất nhiều bài học kinh doanh kinh điển không thể tìm thấy ở bất kỳ trường lớp nào, thậm chí ở cả các khóa MBA đắt đỏ. 

Tôi cần đi từ Xujiahui đến ngay sân bay nên vội vàng kết thúc cuộc họp và vẫy một chiếc taxi ở ngay phía trước tòa nhà Meiluo. Một người lái xe taxi nhìn thấy tôi. Anh ta lái xe một cách chuyên nghiệp và dừng lại ngay trước mặt tôi. 


Và câu chuyện tiếp theo với người lái taxi đã đem lại cho tôi nhiều bài học bất ngờ như thể tôi đang tham dự một khóa học MBA vô cùng sống động. "Ông muốn đi đâu ạ?" "Làm ơn tới sân bay" "Vâng, thưa ông", người tài xế tiếp tục cuộc trò chuyện. "Ở khu Xujiahui, tôi thường đón khách ở phía trước tòa nhà Meiluo. Tôi chỉ đón hai nơi: tòa nhà Meiluo và Junyao. Ông có biết, tôi đã đi vòng quanh tòa nhà Meiluo hai lần trước khi nhìn thấy ông. Những người rời khỏi khỏi tòa nhà văn phòng này chắc chắn không đi tới một nơi nào đó gần đây". 

"Ồ, anh quả thật rất rất thông minh!", tôi tán thưởng. "Là một tài xế taxi, chúng tôi cũng phải làm việc theo phương pháp khoa học", người tài xế nói. Tôi rất ngạc nhiên và tò mò: "Phương pháp khoa học gì?" "Tôi phải hiểu rõ những con số. Để tôi giải thích với ông. Trung bình một ngày tôi lái xe 17 tiếng, vì vậy chi phí tính theo giờ của tôi là 34.5 tệ". 

Tôi ngắt lời: "Làm thế nào mà anh tính được con số đó?" "Ông có thể tính như sau: Mỗi ngày tôi phải trả 380 tệ cho công ty để thuê xe. Tiền xăng khoảng 210 tệ. Tôi làm việc 17 giờ mỗi ngày. Nếu tính theo giờ, chi phí cố định mà tôi phải trả cho công ty taxi là 22 tệ và 12.5 tệ tiền xăng. Chẳng phải là 34.5 tệ đó sao? " 

Tôi hơi ngạc nhiên. Tôi đi taxi mười năm nay nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp một người tài xế tính toán chi phí theo cách này. Trước đây, tất cả các tài xế đều nói rằng chi phí cho mỗi kilômét là 30 tệ bao gồm tất cả các phí nộp về công ty. "Không nên tính toán chi phí theo mỗi kilômét mà nên tính theo giờ. Ông thấy đấy, mỗi công tơ mét có chức năng “xem lại” thông qua đó có thể xem chi tiết trong ngày. Tôi đã phân tích các dữ liệu. Khoảng thời gian giữa các khách hàng trung bình là bảy phút. Nếu tôi bắt đầu tính doanh thu khi có khách vào xe, tôi kiếm được 10 tệ trong khoảng 10 phút. Nhưng mỗi khách hàng trả 10 tệ và tôi mất 17 phút, thì chi phí thực sự là 9.8 tệ (= 34,5 x 17/60)". Giả sử chúng tôi chở khách hàng tới sân bay để có đủ tiền trả cho một bữa ăn, nhưng khách hàng lại chỉ đi một đoạn ngắn, 10 tệ cho 10 phút, thì chúng tôi chỉ có nước nhịn đói". 

Thật đáng kinh ngạc. Người lái xe này không có vẻ giống như một người lái xe taxi mà giống như một kế toán hơn. "Vậy anh đã làm thế nào?" Tôi thấy hứng thú hơn và tiếp tục câu chuyện với người lái xe. Dường như tôi sẽ học được một điều gì đó mới mẻ trên đường đến sân bay. "Ông không được để cho khách hàng quyết định mọi thứ. Ông quyết định những gì mình muốn làm dựa trên vị trí, thời gian và khách hàng". Tôi cực kỳ ngạc nhiên, nhưng điều này có rất nhiều ý nghĩa. "Có người nói rằng lái xe taxi là một nghề phụ thuộc nhiều vào may mắn. Tôi không nghĩ như vậy. Tôi phải đứng ở vị trí của khách hàng và xem xét mọi thứ từ quan điểm của khách hàng". 


Những gì người lái xe taxi nói nghe có vẻ rất giống với những gì mà nhiều giảng viên quản trị kinh doanh vẫn thường nói: "Đặt mình vào vị trí của người khác". "Tôi sẽ cho ông thấy một ví dụ. Ông đang đứng ở cổng bệnh viện. Có người cầm một túi thuốc và một người khác đang cầm một chiếc chậu. Ông sẽ đón vị khách nào?". Tôi nghĩ về điều đó và trả lời rằng tôi không biết. "Hãy đón người đang cầm chiếc chậu. Nếu ông chỉ bệnh vặt và muốn được kiểm tra để lấy ít thuốc, ông sẽ không đi đến một bệnh viện ở xa. Còn người nào mang theo chậu thì chắc chắn là họ đã được xuất viện". Người lái xe taxi tiếp tục nói: "Khi nhập viện, nhiều người không may mắn qua khỏi. Hôm nay, một bệnh nhân nào đó trên tầng hai qua đời. Ngày mai, một bệnh nhân khác trên tầng ba qua đời. Điều đó khiến những người được xuất viện có cảm giác là họ đã may mắn được trao tặng một cuộc sống thứ hai, họ nhận thức được ý nghĩa của cuộc sống một lần nữa - sức khỏe là điều quan trọng nhất. Một bệnh nhân vừa mới xuất viện nói với tôi, "Đi ... đi đến Qingpu". Ông có nghĩ rằng rằng vị khách đó muốn bắt taxi đến People’s Plaza để chuyển sang đi tàu điện ngầm tới Qingpu? Tuyệt đối không! Vị khách đó chắc chắn sẽ đi taxi để tận hưởng một chuyến đi thoải mái". 

Tôi bắt đầu thấy ngưỡng mộ người tài xế. "Để tôi kể cho ông nghe một ví dụ khác. Một hôm, tại People’s Plaza, có ba khách hàng tiềm năng vẫy tôi. Một phụ nữ trẻ, vừa mua sắm xong, đang lỉnh kỉnh xách một đống túi. Tiếp theo là một cặp vợ chồng trẻ có vẻ vừa ra ngoài đi dạo. Vị khách thứ ba là một người đàn ông mặc một chiếc áo lụa, khoác áo khoác và cầm túi đựng máy tính xách tay". Người lái xe taxi tiếp tục, "Tôi chỉ mất ba giây để nhìn vào mỗi vị khách và tôi dừng lại trước mặt người đàn ông mà không chút do dự. Khi người đàn ông này bước vào xe, ông nói địa chỉ: “Cao tốc Yannan". 



Và ông ấy không thể không hỏi tôi, "Tại sao anh lại dừng đón tôi mà không do dự? Có hai người ở phía trước. Họ cũng muốn bắt xe. Tôi hơi ngại ngần khi giành xe với họ". Tôi trả lời: "Giờ đang là buổi trưa, chỉ chừng hơn chục phút nữa là đến 01h00. Người phụ nữ trẻ tranh thủ buổi trưa ra ngoài mua sắm và tôi đoán chắc công ty của cô ấy phải ở gần đó. Cặp vợ chồng là khách du lịch vì họ không mang theo thứ gì và họ sẽ không đi xa. Còn ông ra ngoài vì công việc. Ông mang theo túi đựng máy tính xách tay. Nếu ông đi ra ngoài vào lúc này, tôi đoán chỗ đó sẽ không quá gần’. Người đàn ông đó nói, "Anh nói đúng. Tôi đến Baoshan".

Rất có lý! Tôi bắt đầu thích thú cuộc trò chuyện với người lái xe taxi hơn. "Nhiều tài xế phàn nàn rằng làm ăn ngày càng khó khăn, giá xăng dầu lại tăng. Họ cố gắng đổ lỗi cho người khác. Nếu ông tìm cách đổ lỗi cho người khác, ông sẽ không bao giờ nhận được điều gì tốt đẹp hơn. Ông phải tìm vấn đề ở chính mình”. Điều này nghe có vẻ rất quen thuộc. Nó giống như câu nói "Nếu bạn không thể thay đổi thế giới, thì bạn nên thay đổi chính mình" hoặc giống như ý tưởng bị đánh cắp bản quyền của Steven Corey về "Vòng tròn ảnh hưởng và Vòng tròn quan tâm". "Một lần, trên đường Nandan, một vị khách vẫy xe tôi và muốn đi đến Tianlin. Một lần khác, một vị khách khác cũng vẫy xe trên đường Nandan và ông ta cũng muốn đi đến Tianlin. Vì vậy, tôi đã hỏi, "Tại sao mọi người vẫy xe ở Nandan đều muốn đến đường Tianlin?". Vị khách đó liền giải thích, "Ở đường Nandan có một điểm xe buýt công cộng. Chúng tôi đều đi xe buýt từ Pudong đến Nandan, và sau đó đi taxi đến Tianlin”. Tôi liền hiểu ngay. Ông hãy nhìn con đường mà chúng ta vừa đi qua. Không có văn phòng, không có khách sạn, không có gì. Chỉ có một trạm xe buýt công cộng. Những người vẫy taxi chủ yếu là những người vừa mới xuống khỏi xe buýt công cộng, và họ chỉ đi taxi một đoạn đường ngắn. Những người vẫy taxi ở đây thường đi không quá 15 tệ. Thế nên, tôi không bao giờ quay trở lại để đón khách tại đường Nandan trong giờ đó nữa". "Vì vậy, tôi mới nói rằng thái độ quyết định tất cả mọi thứ!" 

Tôi đã nghe rất nhiều CEO của các công ty phát biểu như vậy, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe điều đó từ một người lái xe taxi. Người lái xe taxi tiếp tục câu chuyện của mình, "Chúng tôi phải sử dụng các phương pháp khoa học và các số liệu thống kê để làm việc. Những người cứ hàng ngày đợi khách ở tàu điện ngầm sẽ không bao giờ kiếm được tiền. Làm thế nào để kiếm được 500 tệ đưa cho vợ con mỗi tháng? Ông phải trang bị cho mình kiến thức. Ông phải học hỏi để trở thành một người thông minh. Một người thông minh học hỏi để trở thành một người rất thông minh. Một người rất thông minh học hỏi để trở thành một thiên tài". "Có một lần, một vị khách muốn bắt taxi để đi đến ga tàu. Tôi hỏi ông ấy muốn đi như thế nào. Ông ta chỉ đường và tôi nói rằng nếu đi theo đường đó sẽ rất lâu. Tôi đề nghị đi đường cao tốc trên cao nhưng vị khách đó bảo đi theo đường đó rất xa. Tôi mới bảo ông ta: "Không vấn đề gì. Ông vẫn thường đi theo đường đó và mất khoảng 50 tệ. Nếu đi theo đường của tôi, đến 50 tệ tôi sẽ tắt đồng hồ tính tiền. Ông chỉ phải trả cho tôi 50 tệ. Phần vượt quá tôi sẽ trả. Nếu đi theo cách của ông sẽ mất 50 phút nhưng đi theo đường của tôi sẽ chỉ mất 25 phút". Cuối cùng, chúng tôi đã đi theo cách của tôi. Chúng tôi đi xa thêm bốn cây số nữa nhưng nhanh hơn 25 phút. Tôi chấp nhận chỉ lấy đúng 50 tệ. Vị khách hàng rất vui mừng vì đã tiết kiệm được 10 tệ. Nhưng ông ta không biết là đi thêm bốn cây số tôi chỉ mất thêm hơn 1 tệ tiền xăng. Vì vậy, tôi đã đổi 1 tệ này để tiết kiệm 25 phút thời gian của tôi. Như tôi vừa nói, chi phí theo giờ của tôi là 34,5 tệ. Điều đó rất đáng giá với tôi! Cả hai cùng được lợi!" 

"Trong một công ty taxi công, một tài xế bình thường chỉ kiếm được 3-4 nghìn tệ mỗi tháng. Người nào giỏi hơn có thể kiếm được khoảng năm nghìn tệ. Những tài xế thuộc top đầu có thể kiếm được bảy ngàn tệ. Trong khoảng 20.000 tài xế, chỉ 2-3 người mới có thể kiếm được hơn 8.000 tệ một tháng. Tôi là một trong số đó. Hơn nữa, thu nhập của tôi rất ổn định mà không có quá nhiều biến động".

Đến lúc này, tôi cảm thấy càng ngưỡng mộ người tài xế taxi này hơn."Tôi thường nói với mọi người rằng tôi là một người lái xe hạnh phúc. Một số người nói, "Bởi vì anh kiếm được rất nhiều tiền nên đương nhiên là anh hạnh phúc rồi". Tôi nói với họ, 'Anh nói sai rồi. Tôi luôn vui vẻ và suy nghĩ tích cực, đó mới là lý do tại sao tôi kiếm được nhiều tiền'". Thật là một cách giải thích tuyệt vời! "Ông phải trân trọng những vẻ đẹp mà công việc của ông đem lại. Khi bị mắc kẹt trong ùn tắc giao thông ở People’s Plaza, nhiều lái xe phàn nàn, "Trời ơi, lại tắc đường! Thật là không may!". Đừng suy nghĩ như vậy. Hãy cố gắng cảm nhận vẻ đẹp của thành phố. Ngắm nhìn rất nhiều cô gái xinh đẹp đi ngang qua. Hay ngắm nhìn các tòa cao ốc hiện đại. Khi lái xe đến sân bay, ông có thể ngắm nhìn rặng cây xanh hai bên đường. Vào mùa đông, chúng phủ đầy tuyết trắng tuyệt đẹp. Và nhìn vào đồng hồ tính tiền - đang hiển thị con số hơn 100 tệ. Điều đó thậm chí còn tuyệt vời hơn! Mỗi công việc đều có vẻ đẹp riêng. Và chúng ta cần phải học cách để cảm nhận vẻ đẹp đó trong dòng chảy hối hả của công việc".

Khi ra đến sân bay, tôi trao cho người tài xế danh thiếp của mình và nói, "Thứ sáu này, liệu anh có vui lòng đến văn phòng của tôi để giảng giải cho đội ngũ nhân viên của tôi về cách anh vận hành chiếc xe taxi của mình? Anh có thể coi như đồng hồ tính tiền đang chạy. Và tôi sẽ trả tiền cho khoảng thời gian mà anh chia sẻ cùng chúng tôi. Hãy gọi cho tôi".

Dịch từ Vulcan Post
Copy từ hoclamgiau.vn
|

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Chúng ta vẫn thường khâm phục đất nước Nhật Bản với những sản phẩm chất lượng Made in Japan, những câu chuyện về con người Nhật Bản khi trải qua sóng thần. Bài chia sẻ về giáo dục mầm non tại Nhật Bản của một bà mẹ người Trung Quốc sẽ lý giải giúp phần nào những điều chúng ta thường ngưỡng mộ về người Nhật.
 Trước khi đến Nhật Bản, Tiantian – con gái tôi cũng đã học 1 năm tại một trường mầm non ở quê hương. Nói vậy để biết chúng tôi không hề xa lạ gì với chuyện đi học mẫu giáo. Tuy nhiên, những gì tôi được chứng kiến ở trường mầm non tại xứ Phù tang vẫn khiến tôi phải “choáng váng”. Tôi xin kể ra đây 8 điều “kì quặc” về mẫu giáo tại Nhật Bản:
1. Nhiều túi một cách kì lạ
Ngày đầu tiên nhập học, các cô giáo đã giải thích với tôi là cần chuẩn bị cho bé 1 loạt các loại túi với đủ kích cỡ khác nhau. Một túi để sách vở, một túi chăn, một chiếc túi để đồ dùng ăn uống, một hộp để đồ dùng ăn uống, một túi quần áo, một túi quần áo thay, một túi quần áo để cất đồ sau khi thay ra, và một túi để giày. Sau đó, các cô còn cẩn thận dặn dò: chiếc túi A phải có chiều dài như vậy-và-như vậy, túi B phải có chiều rộng như vậy-và-như vậy, túi C phải phù hợp với túi D và E phải đựng được trong túi F. Tôi quả thật chỉ có thể “há hốc mồm”. Một số nhà trẻ thậm chí còn yêu cầu mẹ phải tự tay may túi cho con.
Túi đựng chăn
Sau hai năm đi học mẫu giáo thì chúng tôi đã quen với nó, và những đứa trẻ trở nên rất giỏi trong việc đặt những thứ vào đúng chỗ của nó. Tôi thường nghĩ rằng đây cũng chính là lý do mà người dân Kyoto không ngại việc phân loại rác của họ bởi họ đã được dạy điều này ngay từ tấm bé.

Từ trái sang: Túi quần áo, túi đựng sách và túi đựng giày
2. Tất cả những chiếc túi trên đều do trẻ con xách. Người lớn không phải mang gì cả.
Đây là một cảnh tượng mà tôi thực sự bị sốc: Khi đưa con đến trường hoặc đón con về, tôi nhận thấy rằng tất cả các phụ huynh khác, có thể là cha, mẹ, hoặc ông bà, luôn đi tay không. Trong khi tất cả những chiếc túi có kích thước khác nhau (ít nhất là hai hoặc ba chiếc) như tôi đã đề cập ở trên được xách bởi những cô bé, cậu bé nhỏ lũn chũn. Hơn nữa, chúng lại còn vừa xách vừa rất nhanh!
Chúng ta thì sao? Có lẽ do thói quen, có lẽ vì là sự khác biệt văn hóa, nhưng tôi thường mang túi xách cho con, và Tiantian thì đi tay không. Một vài ngày sau, cô giáo đến và đã có một cuộc trò chuyện với tôi: "Mẹ Tiantian, ở trường, cô bé tự làm hết mọi thứ một mình...". Người Nhật có thói quen chỉ nói một nửa câu, và để bạn tự hiểu nốt phần còn lại. Tôi ngay lập tức nhận ra rằng cô đang có ý muốn hỏi về tình hình ở nhà của Tiantian, nhưng khi nhìn thấy tôi vẫn còn đang suy nghĩ, cô giáo tiếp tục, "...tự xách túi đi học là một ví dụ...". Sau lời nhắc nhở tế nhị này, tôi để cho Tiantian mang túi xách của mình.
Khi buổi họp phụ huynh, tôi nói với mọi người rằng ở đất nước tôi phụ huynh thường thực hiện tất cả mọi thứ cho con mình. Đến lượt các bà mẹ Nhật Bản “choáng váng”. Đồng lòng như một, họ hỏi: "Tại sao?"
Tại sao? Có phải vì chúng ta yêu thương con cái của mình nhiều hơn mẹ Nhật?
3. Thay quần áo liên tục
Trường mẫu giáo Nhật của Tiantian có đồng phục riêng. Khi Tian đến lớp, bé phải cởi nó ra và mặc quần áo để chơi vào. Bé cũng phải cởi giày của mình và thay vào đó là đôi giày vải bệt như giày múa ba lê màu trắng. Khi đi vào sân tập thể dục, con phải thay giày. Sau giấc ngủ trưa thì bọn trẻ lại thay đổi quần áo một lần nữa. Thực sự rất phiền toái.
Khi Tiantian còn học Lớp hoa cúc, bé thay quần áo rất chậm và tôi không thể không giúp con một tay. Nhưng tôi nhanh chóng nhận thấy rằng tất cả các bà mẹ Nhật Bản đều đang đứng sang một bên, không ai giúp đỡ con mình cả. Tôi từ từ thấy rằng việc thay quần áo tưởng như “kì quặc” này cũng góp phần giáo dục con cái biết tự lập và độc lập trong cuộc sống. Thông qua những việc ở trường như thay quần áo, gắn “sao” hàng ngày, treo khăn tay lên giá…những đứa trẻ này bắt đầu học thói quen giữ gìn mọi thứ ngăn nắp ngay từ khi mới 2,3 tuổi.
4. Mặc quần đùi vào mùa đông
Mùa đông nhưng ở trong nhà, các bé vẫn mặc quần đùi
Trẻ em trong các trường học của Nhật Bản mặc quần short (quần đùi) kể cả trong mùa đông, bất kể trời lạnh đến như thế nào. Ông bà của con gái tôi ở nhà đã rất lo lắng, và liên tục nhắc nhở tôi cần nói chuyện với giáo viên về vấn đề này, bởi vì con tôi không như trẻ Nhật, không thể chịu lạnh được.
Các mẹ hẳn ai cũng hiểu một điều là, khi con trẻ mới bắt đầu đi học mẫu giáo, bé sẽ ốm, sẽ ho, sẽ hắt xì sổ mũi liên miên. Nhưng khi tôi nói chuyện với các bà mẹ Nhật Bản về vấn đề này, câu trả lời của họ làm tôi ngạc nhiên. "Tất nhiên rồi! Lý do chúng tôi gửi con đến học mẫu giáo là để bị bệnh."
Nhìn thấy sức khỏe của con thay đổi và dần thích ứng với các điều kiện khác nhau, tôi chợt nhận ra rằng chúng ta không nên làm hỏng con mình bằng việc bao bọc chúng quá kỹ càng.
5. Giáo dục hỗn hợp
Chúng ta thường quen với chuyện mỗi lớp sẽ có một chương trình học riêng và trẻ đến trường là ở nguyên trong lớp của mình. Ở Nhật thì khác.
Tất cả các lớp học mầm non đều được đặt theo tên của một loại hoa. Khi mới vào học, Tiantian bắt đầu với Lớp hoa cúc, sau đó là Hoa Lily, bây giờ bé đã là một trong những "chị cả” của trường, học lớp Hoa Violet. Với những bé sơ sinh chưa tròn 1 tuổi sẽ được gộp chung vào một lớp gọi là Lớp hoa Anh đào.
Trước 9:30 sáng, và sau 3:30 chiều, học sinh toàn trường sẽ cùng chơi chung. Trong sân lớn của trường, trẻ lớn giữ trẻ bé, đứa nhỏ đuổi bắt đứa lớn và chúng vui chơi vô cùng hòa đồng. Trẻ em Nhật được trải nghiệm cảm giác có "anh chị em” và qua đó, ý thức về độ tuổi, sự trưởng thành của bản thân cũng tăng lên rõ rệt.
6. Giáo dục mầm non dạy trẻ em biết cười và nói “cảm ơn”.
Ở cấp mẫu giáo Nhật bản, có vẻ như họ không quan tâm đến việc giáo dục trí tuệ cho trẻ em. Họ không có sách giáo khoa, chỉ có vài quyền sách ảnh mới mỗi tháng. Trong bản kế hoạch giáo dục của nhà trường, cũng không có bất kỳ môn nào như toán, hát, vẽ hay thậm chí là cả tiếng anh, tập tô, tập viết…
Vậy các trường mẫu giáo ở Nhật dạy gì? Khi tôi hỏi câu hỏi này, các cô giáo đã trả lời rằng: “Chúng tôi dạy các em học cách mỉm cười”. Ở Nhật, bất kể bạn là ai, bạn đang nói chuyện với ai, biết cách mỉm cười mới là điều quan trọng. Một cô gái có nụ cười tươi luôn là người đẹp nhất.
Giáo dục mầm non Nhật Bản còn dạy gì nữa? Họ dạy trẻ em cách nói “Cảm ơn”. Có thể nói, tất cả những gì mà người Nhật coi là quan trọng, thì ở nước ta, điều đó lại không quá được chú tâm. Tuy nhiên tôi để ý là, sau 3 năm học, Tiantian thậm chí đã tiến bộ cả trong khả năng âm nhạc, nghệ thuật, và đọc chữ. Những điều này trẻ có được từ những cải thiện để hướng đến một nền giáo dục toàn diện.
7. Vô vàn buổi dã ngoại
Trẻ mầm non Nhật rất hay được đi dã ngoại.
Trường mầm non ở Nhật Bản rất hay tổ chức các buổi dã ngoại. Điều đó cũng có nghĩa là tôi phải đánh dấu vào lịch những ngày tôi cần chuẩn bị hộp ăn trưa cho con để bé mang đi theo đường. Tôi không thể đếm bao nhiêu lần Tiantian đi leo núi, bao nhiêu hồ bé đã nhìn thấy, hoặc có bao nhiêu động vật hoặc thực vật bé gặp.
Bên cạnh đó, Tiantian  cũng hay được đi nhặt quả sồi, làm bánh, tham gia lễ hội thể thao, biểu diễn cho các sự kiện cộng đồng, ngủ qua đê ở ngoài, đến các lễ hội nổi tiếng, tham dự đền thờ, triển lãm… Tôi chỉ biết rằng có rất nhiều.
8. Khả năng phi thường của giáo viên
Các cô giáo mầm non Nhật Bản luôn tận tâm và vui vẻ.
Trong một lớp mầm non Nhật có 10-30 học sinh, nhưng chỉ có một giáo viên. Ban đầu tôi đã khá nghi ngờ, nếu chỉ một giáo viên mà có thể kiểm soát hết tất cả chừng đấy học sinh thì quả thật “phi thường”. Sau đó, tôi phát hiện ra rằng tôi đã đánh giá thấp những giáo viên mẫu giáo Nhật Bản. Chỉ với một giáo viên này, cô đã có thể tổ chức ra chương trình văn nghệ của các bé (rất chuyên nghiệp), 30 tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, đọc sách, ngày sinh nhật ba mươi trẻ em…tất cả đều rất qui củ và có phương pháp. Nhìn vào giáo viên, tôi thấy cô ấy luôn luôn vui vẻ và thoải mái, mặc dù cũng đã khoảng 50 tuổi. Quả thật, những điều tôi đã "mắt thấy tai nghe" về nền giáo dục và nuôi dạy con cái của Nhật Bản quả thật luôn khiên tôi cảm thấy thú vị và khâm phục.

Bảo Linh (theo chinasmack) (khampha.vn)
|

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

Tập yoga là một trong những môn hoạt động đem lại hiệu quả vô cùng quan trọng cho sức khỏe con người. Đối với nam giới, việc tập yoga không chỉ đẹp lại sự thư thái về tinh thần mà còn đẹp lại sự dẻo dai cho cơ thể.

 
|
Được tạo bởi Blogger.